Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai

Ngày 18 tháng năm

Chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai đặc biệt quan trọng đối với cả bà mẹ lẫn thai nhi. Chế độ dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi hợp lý, đầy đủ sẽ giúp thai nhi phát triển tối ưu, bà mẹ đủ sức khỏe để sinh con, nuôi dưỡng và chăm sóc con. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của bà mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến con từ khi còn là bào thai đến khi trẻ trưởng thành.

Chế độ dinh dưỡng của mẹ không đầy đủ, hợp lý sẽ làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh, sảy thai, đẻ non, thai lưu, trẻ nhẹ cân, trẻ tử vong sau sinh…..

Dinh dưỡng của người mẹ trong thai kỳ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi, giúp phát triển trí não và thể chất tốt, phòng ngừa dị tật bẩm sinh và các bệnh lý khác.

  1. Dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ
  • Bổ sung sắt và acid folic:Uống mỗi ngày 1 viên sắt (60mg) và 400µg Acid folic.
  • Ăn tăng cường các thực phẩm giàu đạm như: trứng, sữa, thịt, đậu đỗ và chia lượng thức ăn thành nhiều bữa trong ngày để bớt cảm giác nghén.
  • Ăn bổ sung các loại trái cây, hạt, sữa.

Chất đạm đặc biệt quan trọng trong 3 tháng đầu giúp tạo hình và xây dựng các cơ quan, tổ chức như tim, gan, phổi, não, tủy sống và nhất là các tế bào thần kinh.

  1. Dinh dưỡng trong 3 tháng giữa thai kỳ
  • Tiếp tục bổ sung sắt và acid folic
  • Cung cấp đủ canxi 1200mg/ ngày
  • Tăng mức năng lượng trong khẩu phần ăn do hoạt động chuyển hóa và trọng lượng cơ thể của phụ nữ mang thai tăng lên.

Đây là giai đoạn phát triển về khung xương, chiều cao của trẻ nên thai phụ cần chú ý ăn các thực phẩm giàu canxi, kẽm như:tôm, cua, sữa, thủy sản, trứng.

  1. Dinh dưỡng trong 3 tháng cuối thai kỳ

Giai đoạn này là giai đoạn phát triển cân nặng thai nhi nhanh nhất, vì vậy dinh dưỡng của thai phụ cần đảm bảo đầy đủ và đa dạng đáp ứng nhu cầu của thai nhi.

Để thai nhi tăng cân tốt, mẹ bầu cần chú ý đến tăng khẩu phần khoảng 400 kcal/ngày.

Lúc này, mẹ bầu cần bổ sung vitamin C cho cơ thể, nhằm hấp thụ sắt và canxi tốt hơn đồng thời tránh nguy cơ vỡ ối và sinh non.

            Vào 3 tháng cuối, do sự thay đổi hormone và thai nhi lớn gây áp lực lên vùng chậu và bàng quang khiến mẹ bầu thường bị táo bón, đầy bụng. Để tránh tình trạng này, chế độ ăn cho bà bầu nên bổ sung nhiều chất xơ và tránh ăn các thực phẩm khó tiêu hóa.

  • Phụ nữ mang thai cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng nhằm giúp thai nhi phát triển tốt, đảm bảo đủ sữa sau sinh và phòng tránh được các bệnh trong thai kỳ, đặc biệt là các chất đạm, chất béo, các chất như sắt, Canxi, acid folic, kẽm,Iod, vitamin A, D, C, B1, B2. Cần cân đối các nhóm chất dinh dưỡng: chất bột, đạm, béo và vitamin, chất khoáng.

 CHĂM SÓC Y TẾ TRONG THAI KỲ

– Khám thai định kỳ hàng tháng tại các cơ sở y tế, tối thiểu phải khám thai được 3 lần trong thai kỳ. Khám thai ngay nếu có các biểu hiện bất thường như xuất huyết âm đạo, đau bụng từng cơn, đau bụng dữ dội, thai ít máy hoặc không máy…
– Khám vú và lưu ý phát hiện bất thường núm vú như núm vú ngắn, núm vú thụt để được hướng dẫn cách chăm sóc để tạo điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ .
– Tiêm phòng uốn ván đủ 2 mũi.

 

Lưu ý khi có thai:

  • Không nên dùng các loại đồ uống có chứa chất kích thích như rượu, café, thuốc lá…
  • Giảm ăn mặn, giảm ăn các loại gia vị như tiêu, ớt..
  • Không nên quá kiêng khem, cần đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn. Ăn nhiều rau, quả. Chọn thực phẩm tươi, sạch, đảm đảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh.
  • Nên hoạt động nhẹ nhàng và không nên làm việc nặng đặc biệt trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.
  • Nên nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần thoải mái.
  • Nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát vào mùa hè, đủ ấm vào mùa đông.
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt vệ sinh vú để đảm bảo sự lưu thông sữa sau khi đẻ.Tuy nhiên nên vệ sinh nhẹ nhàng không kích thích núm vú sẽ gây sảy thai, đẻ non.

 

BSCKI. Nguyễn Thị Lan- Trưởng khoa Phụ sản BVĐK Bắc Yên

Ý kiến bạn đọc

Dịch vụ thiết kế website WordPress